Mục tiêu phát triển Công nghiệp phần mềm (CNpPM) Việt Nam là lấy thị trường nội địa làm bàn đạp để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu - Vietnam Software Outsourcing. Để thực hiện mục tiêu này, nhà nước đã có một số chính sách để hỗ trợ xuất khẩu như các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, có các chính sách ưu đãi cho việc phát triển các khu công nghiệp phần mềm tập trung với các quy mô khác nhau, các chính sách về thuế quan cho hoạt động xuất nhập khẩu phần mềm và dịch vụ liên quan. Nhà nước tiếp tục đầu tư để xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, phát triển sản phẩm v.v.

Mặc dù còn rất non trẻ nhưng các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đã có rất nhiều cố gắng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên, tổng doanh số xuất khẩu phần mềm của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các cường quốc xuất khẩu phần mềm như ấn Độ hay Trung Quốc. Năm 2002 ấn Độ đạt con số xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD, Trung Quốc cũng xuất khẩu được gần 1 tỷ USD trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 25 triệu USD phần mềm (bằng khoảng 1/40 Trung Quốc và 1/400 ấn Độ). Các dòng sản phẩm chính của hoạt động xuất khẩu phần mềm Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm gia công trong các lĩnh vực kế toán tài chính, giải pháp mạng, web, bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp (ERP), CAD/CAM & GIS, và các sản phẩm đào tạo trực tuyến. Thị trường gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các nước Bắc Mỹ và châu Âu. Gần đây, các công ty có chú ý hơn trong vấn đề phát triển thị trường Nhật Bản.

Bài báo này cố gắng phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội cũng như các thách thức cho hoạt động xuất khẩu phần mềm của Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp còn rất non trẻ này.

Phân tích các điểm mạnh, yếu, cơ hội và nguy cơ của hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm Việt Nam - Vietnam Software Outsourcing (SWOT)

Thế mạnh (Strength)

1. Sự ổn định về an ninh chính trị: Việt Nam là một trong số các nước có độ ổn định cao về chính trị và ít có các nguy cơ khủng bố. Ưu thế này cùng với vị trí địa lý nằm trong khu vực châu á, một khu vực hiện đang được đánh giá là năng động nhất trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam sẽ là một địa điểm hất dẫn các tập đoàn đa quốc gia và các công ty nước ngoài đầu tư mở các chi nhánh và công ty sản xuất gia công phần mềm xuất khẩu.

2. Nhân công rẻ, ham học hỏi, cầu tiến: Với khoảng 34% dân số ở độ tuổi 15-34 đảm bảo cho Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ. Khả năng về logic và toán học của các sinh viên Việt Nam rất tốt là một điều kiện thuận lợi trong việc phát triển CNTT. So với ấn Độ, giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn từ 30 - 50 %. Lao động CNTT có khả năng nâng cao trình độ nhanh và dễ thích nghi với điều kiện làm việc với cường độ cao.

3. Sự hỗ trợ của Nhà nước: Chính phủ Việt Nam rất chú trọng việc phát triển công nghiệp phần mềm. Có rất nhiều chính sách ưu đãi phát triển CNpPM, như các chính sách ưu đãi về thuế, các chính sách ưu đãi về thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ về vốn, chính sách hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực phần mềm v.v.

Điểm yếu (Weakness)

1. Chưa thu hút được các tập đoàn đa quốc gia và các công ty lớn nước ngoài đầu tư vào việc gia công phát triển phần mềm ở Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phần mềm xuất khẩu, nhưng các chính sách này chưa hoàn toàn hoàn thiện, bên cạnh đó việc triển khai các chính sách này nhiều khi còn khó khăn, cơ sở hạ tầng xây dựng còn yếu kém, giao thông không thuận tiện. Các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về giá thuê đất v.v. cũng thường gặp những cản trở khi thực thi. Những khó khăn trên là những trở lực làm giảm sút đáng kể sức hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực CNpPM.

2. Trình độ lực lượng lao động phần mềm còn thấp: Lực lượng lao động phần mềm trong mấy năm qua có gia tăng về số lượng nhưng chất lượng thì còn quá thấp so với yêu cầu của thị trường, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Các lập trình viên của Việt Nam nói chung thiếu kinh nghiệm thực tế, yếu về các kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, đặc biệt rất yếu về ngoại ngữ là một yêu cầu thiết yếu trong việc làm gia công phần mềm xuất khẩu. Chúng ta cũng đặc biệt thiếu các lao động phần mềm cao cấp như các chuyên gia phân tích hệ thống, người thiết kế giải pháp tổng thể, các quản trị viên dự án, giám đốc dự án. Sự kém chất lượng của lực lượng lao động là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chưa giành được nhiều dự án gia công phần mềm với các công ty nước ngoài.

3. Môi trường phát triển doanh nghiệp: một trong những hạn chế lớn của Việt Nam là vấn đề bản quyền phần mềm. Việt Nam được xếp đứng đầu danh sách trong các nước vi phạm bản quyền (BSA, 2002). Vị trí này tạo ra một hình ảnh rất không tốt cho công nghiệp phần mềm Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra có một số điều kiện môi trường không thuận lợi khác cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển CNpPM theo hướng xuất khẩu như hệ thống luật về các nguyên tắc, thực thi hợp đồng của Việt Nam chưa chặt chẽ và tường minh; thiếu những tiêu chí cần thiết để phát triển thương mại điện tử như hệ thống thẻ tín dụng để mua bán phần mềm và những dịch vụ khác.

4. Năng lực của các doanh nghiệp phần mềm còn yếu: Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nói chung đều có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm, yếu về cả khả năng quản lý, quy trình sản suất lẫn tiếp thị bán hàng. Hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có các chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược thị trường. Các doanh nghiệp lại thiếu sự liên kết nhằm tạo khả năng cạnh tranh, ít có sự hỗ trợ nhau trong hoạt động, thị trường sản phẩm chồng chéo. Những yếu điểm này cùng với chất lượng nguồn nhân lực thấp làm cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trên thị trường thế giới rất thấp.

5. Cơ sở hạ tầng viễn thông Internet: Mặc dù đã có nhiều cố gắng để tăng băng thông và giảm giá cước dịch vụ viễn thông và Internet, tuy nhiên chất lượng dịch vụ và tốc độ Internet Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển phần mềm, đặc biệt là đối với các dự án gia công cho nước ngoài. Giá thuê kênh dùng riêng nói chung vẫn cao, đặc biệt quá cao đối với các doanh nghiệp PM nhỏ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp phần mềm Việt Nam khó chiếm được các hợp đồng gia công với nước ngoài.

6. Khả năng quảng cáo, tiếp thị, phát triển thị trường: công nghiệp phần mềm Việt Nam hiện đang rất yếu về khả năng quảng bá, tiếp thị và tìm kiếm mở rộng các thị trường mới. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm đều chưa đủ khả năng và cũng chưa đầu tư thích đáng cho việc tiếp thị, quảng bá thương hiệu cũng như sản phẩm của mình. Nhà nước cũng chưa đầu tư nhiều cho việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá, marketing để tạo một vị trí cho công nghiệp phần mềm Việt Nam trên thị trường gia công phần mềm thế giới. Trong tổng số ngân sách vốn đã rất khiêm tốn dành cho phần mềm của Việt Nam, thì chi phí cho tiếp thị, tìm kiếm thị trường, tham gia các hội chợ, hội nghị lại chiếm một tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 20%). Cụ thể Việt Nam có rất ít buổi thuyết trình về công nghiệp phần mềm; Thiếu những tờ rơi, quảng cáo hoặc các trang Web về cách thức xuất khẩu và các đơn vị xuất khẩu phần mềm Việt Nam; Không có các chương trình nghiên cứu cho từng thị trường xuât khẩu cụ thể; Khả năng tiếp thị và thuyết trình quảng cáo về sản phẩm rất thấp, nhất là khả năng quảng cáo ở thị trường quốc tế. Chính khả năng tiếp thị kém, không am hiểu thị trường là một trong những yếu điểm chủ yếu dẫn đến tình trạng doanh số xuất khẩu của Việt Nam chỉ nằm ở một con số khiêm tốn.

Cơ hội (Opportunities)

1. Ngành CNTT của thế giới đang ở giai đoạn hồi phục và phát triển nhanh chóng. Tại các thị trường CNTT lớn của thế giới như Mỹ, Bắc Âu và Nhật Bản xu thế sử dụng nhân lực từ nhà cung cấp nước ngoài để gia công phần mềm đang tăng mạnh. Dự đoán đến năm 2005, nhu cầu tuyển dụng chuyên viên CNTT trên toàn cầu sẽ là hơn 1 triệu người, trong khi các nhà cung cấp chính như ấn Độ, Ailen cũng chỉ có khả năng cung cấp tối đa là 70%. Trung Quốc được coi là thị trường cạnh tranh tiềm năng, nhưng thực tế thì nhu cầu nội địa của Trung Quốc rất lớn nên một số lượng lớn nhân lực giỏi của Trung quốc sẽ bị hút vào thị trường nội địa. Thêm vào đó, giá nhân lực CNTT tại các thị trường ấn Độ, Ailen đang tăng cao trong khi giá nhân công CNTT ở Việt Nam rất thấp. Như vậy thị trường gia công phần mềm còn rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để nắm bắt thời cơ?

2. Nạn khủng bố và bất ổn về an ninh và chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới khiến cho các tập đoàn đa quốc gia và các công ty CNTT lớn ở ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Philipine, Indonexia v.v. đang cố gắng dãn bớt các trung tâm phát triển phần mềm sang các quốc gia có độ ổn định hơn về an ninh và chính trị để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có độ ổn định cao về an ninh và chính trị, lại nằm ở vị trí gần gũi với các cường quốc về gia công phần mềm như ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc nên sẽ là một địa điểm lý tưởng để đón nhận cơ hội này.

3. Việt Nam có một cộng đồng đông đảo Việt kiều đang sống và làm việc tại nước ngoài, và rất nhiều người trong số họ là các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Nếu khai thác được lực lượng này thì đây sẽ là một nguồn lực rất lớn cho việc gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Việt Nam có thể kêu gọi các Việt kiều tại những nước phát triển, ví dụ như tại thung lũng Silicon, để họ trở về đầu tư phát triển CNpPM trong nước.

Thách thức và mạo hiểm (Threat)

1. Một thách thức lớn mà công nghiệp phần mềm Việt Nam phải đương đầu là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc. Mặc dù nền CNpPM Trung Quốc được định hướng phục vụ thị trường nội địa, nhưng nước này đang nổi lên như là một điểm đến quan trọng cho các nhà tìm kiếm đối tác gia công phần mềm. Hiện Trung Quốc đang có những bước tiến mạnh mẽ và nhanh chóng trong việc xây dựng công nghiệp phần mềm theo hướng gia công xuất khẩu. Trung Quốc có thể cạnh tranh với Việt Nam cả về chất lượng lao động lẫn giá cả và chi phí thấp.

2. Công nghiệp phần mềm là một ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, vòng đời công nghệ ngắn, cần chi phí đầu tư lớn cho việc đào tạo cập nhật công nghệ, marketing tìm kiếm mở rộng thị trường. Việc mở văn phòng đại diện ở một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản là rất đắt đỏ. Trong khi đó ngành CNpPM Việt Nam lại còn rất non trẻ, yếu về nguồn lực, thiếu về kinh nghiệm. Đó là những thách thức và mạo hiểm không nhỏ cho các doanh nghiệp PM Việt Nam muốn tham gia thị trường quốc tế.

3. Một nguy cơ nữa cũng có thể sẽ xảy ra là việc các phần mềm có thể trở nên chuẩn hoá và sẽ chỉ còn là sản phẩm độc quyền của một số tập đoàn và công ty CNTT lớn trên thế giới. Trong trường hợp này việc phát triển CNpPM theo định hướng xuất khẩu sẽ gặp không ít khó khăn.


Khánh Vân - Tạp Chí Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông

0 Nhận xét

Post a Comment

Chào bạn, cảm ơn bạn đã để lại nhất xét trên blog của mình. Hãy để lại tên bạn và liên kết để mình có thể làm quen với bạn.